Ảnh Vũ Hữu Lợi khi kinh doanh đạt mốc 15 tỷ đồng, anh ta được công nhận là triệu phú đô la thứ 97 của tập đoàn Vision cách đây khoảng 10 năm.
Vũ Hữu Lợi, một đại gia bí ẩn từng xuất hiện với nhiều bài PR trên các trang mạng và truyền thông khi anh liên tục khoe ảnh anh đứng bên dàn xe đẹp, triết lý làm giàu, tiêu tiền, nhà cửa, sự thành công và công việc của mình, nhưng trên thực tế có những điều đúng và có thể có những điều chưa chính xác về vị doanh nhân này
Thời gian gần đây vị doanh nhân Vũ Hữu Lợi được nhắc đến thường xuyên hơn khi anh là 1 trong những cổ đông sáng lập ra mạng tiền ảo IFAN, được biết mạng này đang bị các nhà đầu tư tố lừa đảo gần 15.000 tỷ đồng. Vũ Hữu Lợi đã đóng góp 15% và thành cổ đông lớn nhất (tương đương 15 tỷ đồng).
Vũ Hữu Lợi ngồi bên các thành viên sáng lập mạng tiền ảo IFAN tại Việt Nam đang bị tố lừa đảo 32.000 người.
Trước đó vào những năm 2013, 2014 người tên Vũ Hữu Lợi này từng nổi danh trên hàng trăm các trang tin tức, trang báo về độ giàu có và chịu chơi của mình. Nhưng không ít người cho rằng Vũ Hữu Lợi đi thuê xe, thuê nhà để đứng bên chụp ảnh làm màu, và để đổi lấy sự nổi tiếng. Nhưng thực tế không hẳn như thế !
Những món tài sản chắc chắn do Vũ Hữu Lợi sở hữu thật sự gồm có 1 siêu xe Lamborghini Murcielago, 1 chiếc bentley Flying spur speed và 1 chiếc Mercedes C class, BMW 3 series, 1 ngôi nhà 3 tầng ở Sài Gòn. Còn loạt xế sang người này từng khoe và đứng cạnh như Mercedes S500, BMW 750 Li, Audi Q7 hay Lexus LX570, Porsche Panamera, Chrysler 300 C, Porsche Cayenne…được cho là của bạn Lợi hoặc của thành viên khác thành đạt trong cùng công ty.
Lamborghini Murcielago mui trần độc nhất thuộc sở hữu của Vũ Hữu Lợi
Món đồ Vũ Hữu Lợi thường xuyên xuất hiện và chụp ảnh cùng là chiếc Lamborghini Murcielago bản mui trần, theo nhiều trang mạng chiếc xe này có giá bán lên tới 20 tỷ đồng tương đương 1 triệu đô. Nhưng sự thật chiếc xe chỉ có giá 8 tỷ đồng mà thôi vì mang biển NG và không chịu thuế nhập khẩu.
Chiếc xe này không phải của Vũ Hữu Lợi mua vì anh ta được Tập đoàn mẹ tại nước ngoài cấp, phục vụ cho công việc của anh ta và công ty. Tuy nhiên chiếc xe này hoàn toàn do Lợi sử dụng kể cả bán đi cũng do anh ta quyết định. Lợi cũng hé lộ thông tin về việc được tặng xe tại các buổi diễn thuyết của anh ta.
Chiếc siêu xe từng thuộc sở hữu của Vũ Hữu Lợi.
Về việc nhiều người ở quê Lợi cho rằng “Lợi thuê chiếc xe để về thể hiện với dân làng” là chưa đúng, chiếc xe này từ khi về Việt Nam thời điểm 2011 đến năm 2015 khi anh ta bán xe đều do Lợi sử dụng và đi, có điều do làm ở Sài Gòn nên người dân quê anh chỉ chiêm ngưỡng xe này chạy 2 tháng khi anh ta về quê ăn tết và mở hội nghị về kinh doanh, kêu gọi “đầu tư” vào lĩnh vực mua bán sản phẩm của tập đoàn VISION.
Vũ Hữu Lợi đã đi chiếc xe này từ năm 2012 đến năm 2015, khi biển xe NG hết hạn tạm nhập và tái xuất, thì anh ta bán lại xe này cho 1 người khác ở tận Gia Lai, ngay sau đó chiếc xe này đã bị các trinh sát hình sự CAQ Bắc Từ Liêm phát hiện và thu hồi cùng nhiều mẫu xe sang khác như Mercedes, BMW, Lexus…vì sử dụng nhiều loại giấy tờ giả.
Điều tra ban đầu cho biết nguồn gốc chiếc xe này, anh Nguyễn Văn H ở thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, khai nhận: Vào cuối năm 2014, qua trang mạng mua bán xe ô tô có một người đàn ông tên Vũ Hữu Lợi ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, muốn bán chiếc xe Lamborghini Murcielago mang BKS ngoại giao. Anh H đã liên hệ và mua với giá 4,6 tỷ đồng. Sau đó anh H đã mua giấy tờ và BKS xe giả với giá 15 triệu đồng để sử dụng cho đến khi bị phát hiện.
Bentley Flying spur phương tiện di chuyển chính của Lợi
Chiếc siêu xe Bentley Flying spur bản speed mang màu xám được Lợi mua từ năm 2013 với giá hơn 10 tỷ đồng. Được biết đây là siêu xe Lợi thường xuyên di chuyển và xe cũng được ra biển số trắng ở Sài Gòn.
Chiếc Bentley Flying spur speed này là phương tiện di chuyển hàng ngày của Lợi. (ảnh: Tinhte).
Tại nhiều Hội nghị, Lợi cũng thường xuyên tự lái xe đi và cho đến gần đây sau 5 năm sử dụng, nhiều người vẫn thấy Lợi lái chiếc xe đi làm và ở các Hội nghị do anh ta tổ chức.
Xe Bentley do Vũ Hữu Lợi lái.
Đầu năm 2018 chiếc Bentley mang biển số 51A – 339.19 do Vũ Hữu Lợi điều khiển bên cạnh những chiếc xe của các “lãnh đạo” ifan. Điều này cho thấy Lợi là chủ nhân chính thức của chiếc xe này chứ không phải đi mượn.
Mercedes C200 mang về quê năm 2007 và bán lại cho anh trai giá hơn 500 triệu đồng
Phỏng vấn trên 1 số trang tin tức, Lợi cho biết năm 2007 về quê với 1 chiếc Mercedes S500 giá gần 5 tỷ đồng thời điểm đó. Tuy nhiên trên thực tế Vũ Hữu Lợi từng mua 1 chiếc C200 mới có giá khoảng 850 triệu đồng vào thời điểm năm 2006.
Chiếc Mercedes C200 Lợi từng lái về quê năm 2007 và sau đó bán cho anh trai mình. (Ảnh: Giadinh.net)
Chiếc xe này là xe sang đầu tiên của Lợi. Sau đó theo nguồn tin bạn bè của Vũ Hữu Lợi anh ta đã bán chiếc xe này cho anh trai của mình tên là Thắng đang sinh sống tại thành phố Tuyên Quang. Giá bán xe hơn 500 triệu đồng, nhiều người cho rằng nếu Lợi rất giàu và chịu chơi như khi anh ta xuất hiện trên truyền thông có thể anh ta đã tặng anh trai mình xe để đi lại.
Ngoài ra Lợi cũng thi thoảng về nhà bằng 1 chiếc BMW 3 series đời cũ.
Thường xuyên được đi du lịch trong và ngoài nước ?
Do tính chất công việc là kinh doanh đa cấp, liên tục tổ chức các hội thảo và hội nghị, Vũ Hữu Lợi cũng đúng là thường xuyên được đi các chương trình về huấn luyện, kinh doanh theo mạng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên việc Lợi tung hình ảnh chụp cùng các cô gái xinh đẹp, những người nổi tiếng để làm gì thì cũng khó ai hiểu nhưng có thể làm cho tên tuổi anh ta nổi bật hơn trên tuyền thông, nhiều người biết đến anh ta hơn.
Ngoài ra Vũ Hữu Lợi cũng thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình, tham gia phỏng vấn, đối thoại liên quan đến việc các đại gia tiêu tiền, người giàu tiêu tiền thế nào hay cách làm giàu, con đường thành công của vị doanh nhân này.
Sở hữu 1 ngôi nhà 3 tầng ở Sài Gòn
Cách đây vài năm Vũ Hữu Lợi từng mua 1 căn nhà 3 tầng ở Sài Gòn, đây là căn nhà duy nhất thuộc sở hữu của anh ta. Không rõ căn nhà này có giá bao nhiêu nhưng một số người cho rằng chỉ trên dưới 7 tỷ đồng. Nội thất và tiện nghi của ngôi nhà cũng chỉ ở mức trung bình chứ chưa nói được là siêu sang.
Lợi thường xuyên xuất hiện bên cạnh cả những biệt thự sang trọng. (Ảnh Eva)
Còn 1 số thông tin cho rằng Vũ Hữu Lợi mua nhà Hà Nội, Tuyên Quang, Gia Lai hay Đà Nẵng….là không đúng vì Vũ Hữu Lợi chỉ có duy nhất 1 căn nhà như đã nói ở trên.
Từng về quê Tuyên Quang tổ chức hội thảo mời người dân tham gia, nhưng không có ai theo
Một thông tin ít người biết đó là khi mang siêu xe về quê năm 2012 khi lượn xe quanh đây khoảng 1 tháng, sau tết Vũ Hữu Lợi đã tổ chức ngay 1 buổi hội thảo mời cả ngàn người đi để nói về cơ hội kinh doanh với các sản phẩm của Vision.
Ngay lập tức thông tin về sự thành công của Vũ Hữu Lợi xuất hiện trên khá nhiều trang mạng, với hình ảnh là 1 doanh nhân thành đạt, siêu giàu từng vượt qua khó khăn và còn gợi mở nhiều người tìm kiếm trên “gu gồ” để biết về anh ta hơn và ngành kinh doanh anh ta đang đứng đầu. Nhưng rất ít người tham gia kinh doanh theo lời mời gọi của doanh nhân này vì còn bán tín, bán nghi khi anh ta dường như rất ít xuất hiện ở Tuyên Quang và không ít người cũng nhận ra bản chất đó là kinh doanh đa cấp.
Từng có dự định và hứa hẹn làm từ thiện 3 căn nhà ở quê hương
Vũ Hữu Lợi cũng từng cung cấp thông tin sẽ làm từ thiện 3 căn nhà tình nghĩa ở tỉnh Tuyên Quang trên bài viết “Tự hào người Tuyên Quang thành đạt” trên 1 tờ báo chính thống. Tuy nhiên đến nay chưa ai biết được Vũ Hữu Lợi đã xây dựng căn nhà tình nghĩa nào hay chưa ?
Tuy nhiên 1 số thông tin cho thấy Vũ Hữu Lợi chưa làm từ thiện gì ở chính quê mình ở Xã Tứ Quận, Huyện Yên Sơn, Tuyên Quang.
Ngôi nhà đang xây 5 tầng giá gần 20 tỷ không phải của Lợi
Ngôi nhà lớn gần 5 tầng đang xây không có ở xã Tứ Quận. Tuy nhiên có thể V.H. Lợi chụp ở đâu đó và còn nhận xét rằng mình mơ ước tương lai sẽ xây được nhà cho mẹ. (Ảnh: Tinmoi.vn)
Hình ảnh chụp căn nhà lớn đang xây 5 tầng với mặt tiền gần 20 mét không phải của Vũ Hữu Lợi vì trên Tứ Quận – Yên Sơn – Tuyên Quang không hề có ngôi nhà nào lớn như vậy. Tuy nhiên trên trang cá nhân mang tên “Loi Huu Vu” được cho là trang của người này chính thức trên Facebook vẫn xuất hiện hình ảnh ngôi nhà 5 tầng đang xây, dàn xe và một số giải thưởng gì đó mà anh ta đạt được, chính điều này gây hiểu lầm với nhiều người khác vì tưởng anh ta đang xây nhà to ở quê nhưng có thể anh ta chỉ dẫn ảnh ngôi nhà lên thể hiện rằng “anh ta mơ ước sẽ xây được nhà này cho bố mẹ trong tương lai mà thôi”.
Ngôi nhà của Bố mẹ Vũ Hữu Lợi ở quê khá nhỏ và hiện anh trai Lợi đang kinh doanh sửa xe máy ở đây. (Ảnh: Petrotimes)
Sự thật như các trang mạng đã đưa tin, chỉ có ngôi nhà của bố mẹ Lợi ở quê xây 2 tầng và 1 tầng tum khá nhỏ. Trước cửa nhà đề biển Vũ Minh sửa chữa xe máy. Theo tiết lộ của bà Sản mẹ Vũ Hữu Lợi, căn nhà được xây từ năm 2005 với giá gần 500 triệu đồng mà thôi. Các đồ vật trong nhà cũng đầy đủ, tiện nghi nhưng không đến mức siêu sang, giá hàng tỷ đồng như anh ta đã tiết lộ trên truyền thông.
Còn nói về sự nổi tiếng ở Tuyên Quang, nhiều vị doanh nhân có tên tuổi và giàu có ở tỉnh này cho biết chưa nhìn thấy Lợi bao giờ và Lợi cũng không đầu tư hay làm ăn ở quê hương, quen biết giới doanh nhân nơi đây. Nếu biết thì chỉ biết Lợi qua Báo chí mà thôi, chủ yếu là các tin tức về độ chịu chơi, ảnh anh ta đứng gần siêu xe, biệt thự và dùng hàng hiệu, đứng bên người đẹp, tham gia hội thảo, đi du lịch….. Phần đa các ảnh đều do anh ta hay người làm việc cùng anh ta tự chụp và đưa lên nhiều trang mạng xã hội.
Cập nhật thông tin mới nhất liên quan vụ IFAN bị tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng tính đến tháng 11/2018:
Cuối tháng 5.2018, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) điều tra vụ nhà đầu tư (NĐT) tố đường dây “tiền ảo” lừa 32.000 nhà đầu tư chiếm 15.000 tỉ đồng, liên quan đến Công ty CP Modern Tech (viết tắt Modern Tech, ở lầu 9 một tòa nhà trên đường Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM), nhằm làm rõ hành vi của các đối tượng kêu gọi đầu tư iFan, Pincoin. Đến nay (Tháng 11/2018), cơ quan điều tra (CQĐT) đã có kết quả xác minh ban đầu của vụ việc này.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan công an, Modern Tech có tổng giám đốc và người đại diện pháp luật là ông Hồ Xuân Văn (30 tuổi, HKTT ở Thừa Thiên-Huế). Có 7 người thành lập và điều hành Modern Tech gồm: ông Hồ Xuân Văn góp vốn 13 tỉ đồng, tương đương có 13% cổ phần; Bùi Ngọc Mỹ (ngụ Bình Dương), Hồ Phú Ty (ngụ Tây Ninh), Lương Huỳnh Quốc Huy (ngụ Long An), Lưu Trọng Tuấn (ngụ Q.8, TP.HCM), Nguyễn Đức Trọng (ngụ Đồng Nai), Nguyễn Trung Hiếu (ngụ Lâm Đồng) góp 12 tỉ đồng/người, Vũ Hữu Lợi (ngụ Tuyên Quang) góp 15 tỉ đồng. Những người này đều kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp.
Đồng tiền số iFan được gắn mác là dự án đến từ Công ty iFan PTE.LTD có trụ sở ở Singapore, phát hành dưới dạng mã hóa token, lấy tên là iFan thông qua trang web https://ifan.io/. Công ty iFan PTE.LTD ủy quyền cho Modern Tech làm đại diện cho iFan, Pincoin tại VN. Sau đó, Modern Tech đã tổ chức hàng loạt sự kiện tại TP.HCM và Hà Nội nhằm huy động vốn từ các NĐT.
Chiếc siêu xe của Vũ Hữu Lợi và bạn
Các NĐT cũng tố ông Diệp Khắc Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và phát triển mạng lưới hữu nghị – FNC) cùng với nhóm sáng lập tiền ảo iFan – Công ty Modern Tech chiếm đoạt tiền của hàng ngàn NĐT. Quá trình điều tra cho thấy nhóm lãnh đạo phát triển iFan được phân công nhiệm vụ rõ ràng. Theo đó, tháng 9.2017, Diệp Khắc Cường, Vũ Hữu Lợi, Bùi Ngọc Mỹ, Hồ Xuân Văn, Hồ Phú Ty mở sự kiện ra mắt đồng tiền iFan tại một trung tâm hội nghị ở Q.10, kêu gọi các NĐT tham gia. Tháng 10.2017, nhóm này tiếp tục tổ chức bán đấu giá đồng iFan ở một khách sạn lớn tại Vũng Tàu. Thời gian này các NĐT được mua iFan với giá rất thấp chỉ từ 0,1 đến 0,2 USD/iFan, vì vậy các NĐT đổ xô vào đồng tiền ảo được cho là cực lợi nhuận này.
Thay vì NĐT mua trực tiếp đồng tiền ảo iFan, nhóm thành lập đồng iFan đề nghị NĐT mua iFan bằng đồng Bitcoin và đồng ETH (hai đồng tiền kỹ thuật số có giá trị cao và được phép giao dịch trên các sàn quốc tế). Các NĐT mua iFan phải tự chuyển tiền VN để mua hai đồng này trên các sàn quốc tế. Sau đó, NĐT chuyển hai đồng tiền nói trên vào các ví điện tử trên sàn của các cá nhân thuộc nhóm lãnh đạo iFan để mua đồng tiền ảo iFan. Khi NĐT chuyển tiền vào ví điện tử của các nhà sáng lập iFan để mua iFan thì NĐT phải chờ đến giữa tháng 10.2017 mới được thông báo đã chuyển iFan vào các ID tại trang web myifan.io của từng cá nhân một. Đa số NĐT có đơn gửi PC03 và Bộ Công an đều mua đồng tiền ảo iFan dưới hình thức nói trên.
Theo CQĐT, số tiền thu được từ NĐT bằng thủ đoạn nêu trên của nhóm sáng lập iFan là 5 triệu USD, số tiền này Diệp Khắc Cường giữ 50%, những người còn lại giữ 50%.
Một thời gian sau, Diệp Khắc Cường có mâu thuẫn về tiền bạc với một số người trong nhóm lãnh đạo sáng lập iFan như Vũ Hữu Lợi, Bùi Ngọc Mỹ, Hồ Xuân Văn, Hồ Phú Ty nên nhóm này tách khỏi Cường để kêu gọi đầu tư iFan riêng. Nhóm của Lợi phối hợp với 7 người nữa đứng ra tổ chức bán iFan ở một trung tâm hội nghị tại Q.10 vào tháng 11.2017. Lần này có hơn 1.000 NĐT tham gia, mua và thanh toán cũng bằng hình thức mua đồng Bitcoin và ETH để mua iFan.Lúc này, Hồ Phú Ty đã chuyển toàn bộ dữ liệu của trang web myifan.io sang trang ifan.io. Tháng 12.2017 tại Hà Nội, nhóm của Vũ Hữu Lợi tổ chức kêu gọi NĐT tham gia đầu tư iFan với các gói lãi hấp dẫn đến gần 60%. Chương trình trả lãi được thực hiện bằng mô hình đa cấp, nhiều NĐT kêu gọi bạn bè, người thân cùng tham gia đầu tư đồng iFan này để có lãi suất “khủng”.
Liên quan đến nhóm NĐT tham gia tụ tập, giăng băng rôn nêu có 32.000 NĐT bị chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, cơ quan điều tra khẳng định con số này không chính xác, không có cơ sở. Bởi người đứng đầu nhóm kêu gọi giăng băng rôn này là bà N.T.T.H bị thiệt hại hơn 6 tỉ đồng. Làm việc với CQĐT, bà H. và một số NĐT cho biết, sở dĩ viết trên băng rôn 15.000 tỉ đồng để cơ quan báo chí, công an nhanh chóng vào cuộc, chứ những người này không biết bao nhiêu người bị lừa và bị lừa bao nhiêu tiền.
Đến thời điểm này, PC03 nhận được 145 đơn tố cáo liên quan đến hoạt động đầu tư đồng iFan với tổng thiệt hại là 90 tỉ đồng. “Ngoài ra, các NĐT mua bán không giao dịch thông qua Công ty Modern Tech, không nộp tiền vào tài khoản của các cá nhân sáng lập, điều hành công ty này mà mua đồng tiền iFan thông qua các đồng Bitcoin, ETH qua các sàn giao dịch tiền ảo. Vì vậy, việc điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan trong đường dây như tin báo của NĐT cũng rất khó”, nguồn tin cho biết.
Ảnh: Tổng hợp Báo.
HÀ SƠN / Theo: Baogiaitrivn.net