Ngắm 10 siêu xe khủng làm nên thương hiệu Ferrari

Có những siêu xe dù có số lượng ít nhưng lại nâng tầm đẳng cấp cho thương hiệu Ferrari và vô cùng nổi tiếng, mời bạn đọc cùng điểm danh nhé

1. Auto Avio Construzione 815

Chiếc xe đua này là sản phẩm của Auto Avio Construzione (AAC), một công ty do Enzo Ferrari thành lập năm 1939. Ferrari đưa Auto Avio Construzione 815 ra thị trường chỉ một tuần sau khi rời đội đua Alfa Romeo.

AAC đã sản xuất 2 chiếc xe 815 vào năm 1940. Hai chiếc xe này không được phép mang tên Ferrari do một thỏa thuận không cạnh tranh giữa Enzo và các đồng nghiệp trước đây của ông. Thỏa thuận này quy định cấm Ferrari sử dụng tên ông trong các cuộc đua hoặc các dòng xe đua trong vòng tối thiểu 4 năm.

2. Ferrari 125S

Ra mắt năm 1947, 125 là mẫu xe đầu tiên mang tên Ferrari. “Trái tim” của Ferrari 125 là khốiđộng cơ V12 có công suất 118 mã lực.

3. Ferrari 166 Inter

Được phát triển từ năm 1948-1950, Ferrari 166 Inter mang thiết kế dựa trên dòng xe đua 166 vốn dĩ đã rất thành công. Đây cũng chính là mẫu xe đầu tiên của Ferrari gặt hái được thành công về doanh số trên quy mô toàn cầu.

Ferrari 166 Inter được trang bị khối động cơ V12, dung tích 2.0 lít với công suất tối đa 90 mã lực.

4. Ferrari 500

Ferrari 500 là mẫu xe đầu tiên của Ferrari thật sự thành công tại giải đua Grand Prix sau Thế chiến thứ hai. Cùng với huyền thoại Alberto Ascari, Ferrari 500 đã chiến thắng 7 chặng liên tiếp tại giải đua năm 1952. Ferrari 500 cũng đã giúp Ascari giành chức vô địch thế giới năm 1952 và 1953.

5. Ferrari 250 TR Testarossa

250 TR Testarossa ra mắt năm 1957 là một trong những chiếc Ferrari đầu tiên mang biểu tượng Testarossa. Mẫu xe này còn được gọi là “đầu đỏ” bởi phần thiết kế đầu xe với màu đỏ đặc trưng.

Đây là dòng xe được thiết kế dành riêng cho các tay đua chuyên nghiệp với khối động cơ V12, dung tích 3.0 lít, sản sinh công suất tối đa 300 mã lực.

6. Ferrari 250 GTO

Đối với nhiều người, 250 GTO ra đời vào năm 1962 là mẫu xe mang đậm chất Ferrari cuối cùng của hãng xe này. Vỏ xe kim loại bóng mượt quyến rũ kết hợp cùng khối động cơ 300 mã lực mạnh mẽ khiến Ferrari 250 GTO trở thành sản phẩm vô cùng hoàn hảo.

Ngoài ra, Ferrari 250 GTO còn giữ kỉ lục là chiếc xe đắt đỏ nhất thế giới. Năm ngoái, một chiếc Ferrari 250 GTO đã được bán với giá 38 triệu USD tại một phiên đấu giá.

7. Dino 246 GT

Mặc dù Dino 246 GT không mang nhãn hiệu Ferrari nhưng vẫn là thành viên của nhãn hiệu “ngựa chồm” nước Ý. Dino 246 GT được sản xuất từ năm 1969-1974 và lấy theo tên con trai út của Enzo Ferrari.

Nếu so với những mẫu xe khác trong danh sách này, “trái tim” của Dino 246 GT có vẻ lép vế nhất với động cơ V6, dung tích 2,4 lít và công suất tối đa 195 mã lực.

8. Ferrari F40

Ferrari F40 được sản xuất nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập hãng xe danh tiếng này. Đây cũng là mẫu xe cuối cùng ra mắt trước khi Enzo qua đời.

Ferrari F40 được bán ra thị trường từ năm 1987-1992. Ferrari F40 không sở hữu kiểu dáng sang chảnh như những dòng xe khác nhưng lại lôi cuốn những tay đua đam mê tốc độ nhờ sự mạnh mẽ của khối động cơ V8, tăng áp kép có công suất 478 mã lực và tốc độ tối đa lên tới 323 km/h.

9. Ferrari 333SP

Dù đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong làng đua xe đua thể thao nhưng Ferrari đã mảng này đến gần 2 thập kỷ. Mãi đến năm 1994, Ferrari mới quyết định tái xuất với xe đua 333SP.

Với động cơ V12, dung tích 4.0 lít có công suất tối đa 650 mã lực, Ferrari 333SP đã trở thành cái tên huyền thoại trên các đường đua châu Mỹ và châu Âu.

10. Ferrari LaFerrari

Ferrari bước vào sân chơi thế kỉ 21 với siêu xe hybrid LaFerrari có giá hơn 1 triệu USD. Tuy nhiên, Ferrari LaFerrari chỉ được sản xuất giới hạn 499 chiếc. Đây cũng là mẫu siêu xe đầu tiên và duy nhất của hãng Ferrari sử dụng hệ dẫn hybrid.

Ferrari LaFerrari được trang bị động cơ V12, dung tích 6,3 lít, công suất 789 mã lực, kết hợp mô-tơ điện mạnh 161 sức ngựa. Hệ dẫn động hybrid kết hợp giúp LaFerrari tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong thời gian dưới 3 giây và có thể đạt vận tốc tối đa hơn 349 km/h.

TỔNG HỢP / theo automotive

Bài viết cùng chuyên mục

Leave a Comment